Buổi tối hôm đó, mọi người được thưởng thức tay nghề đổ bánh xèo tuyệt hảo của dì Sáu. Chú Vương dặn ông quản gia sắp xếp bàn ngoài trời cho mát, sẵn khui lô vang vừa nhập về mấy hôm trước. Chú Tư thong thả nhai từng miếng bánh xèo giòn rụm trong miệng, sau đó nhấp ly rượu vang rồi quay qua chú Vương, “Đông – Tây kết hợp theo phong cách anh Vương thật là quá đặc biệt, nhưng mà lâu lâu một lần thôi nghen, chứ tui vẫn thích thứ nào ra thứ đó”.
Vivian ngồi cạnh đó tinh nghịch, “con còn có Đông – Tây Ban Nha với Đông – Braxin kết hợp nữa nè chú Tư, bữa nào qua chỗ anh Z làm Đông – Israel hay anh O làm Đông – Dubai nữa nha chú”. Cả chú Tư, Z và O phì cười. Cô gái này vẫn không có gì thay đổi suốt mấy năm qua, vẫn cá tính, vẫn thích chọc cười người khác như vậy.
Dì Sáu vừa đổ xong mẻ bánh thứ mười, mọi người còn ăn rất nhiệt tình, đã đoán trước được sức ăn của mấy ông “thanh niên” này nên dì chuẩn bị sẵn khá nhiều bột, nước mắm và đồ chua. Vùng Đông Bắc này không đa dạng mấy loại rau thường dùng, vừa hay có cậu đầu bếp trước làm ở Sài Gòn nên giới thiệu được vài loại có thể kết hợp ăn ngon không kém. Dì Sáu hỏi Vivian, “đợt này không dẫn chồng về luôn con, đi đây đi đó cho nó biết bên này. Mà dì thấy thằng nhỏ cũng nói tiếng Việt rành dữ à, năm ngoái ghé Lái Thiêu thăm dì mà ngồi ăn bánh cứ xuýt xoa… ngon quá ngon quá làm dì cũng bất ngờ ghê”.
“Dạ thôi ảnh hỏi nhiều lắm dì ơi, cho về đây, hỏi con một hồi là lộ Hội đồng ra luôn á. Với lại thời gian này tập đoàn chồng con sắp hết năm tài chính nên cũng bận lắm, vừa chốt sổ sách, vừa lên kế hoạch cho năm tới, vừa cập nhật lại chiến lược cho phù hợp nữa”, Vivian cười trả lời nhanh rồi lảng qua chủ đề khác, “chắc chú Bảy còn bên Inđô phải không dì, mọi lần con thấy chú Bảy về sớm nhất luôn”.“Chú Bảy còn vài việc bên Sumatra, ổng làm việc với người Minangkabau để tìm nghiên cứu chữ Khoa Đẩu mấy tháng nay chắc cũng gần xong rồi. Nghe nói bộ tộc bên đó còn lưu giữ nhiều quyển sách cổ từ thời Hai Bà Trưng lắm, chú Bảy đang thu thập tư liệu ở Hồ Nam mới cất công bay qua Inđô đó chớ”. Dì Sáu kể.
Chú Bảy trong mắt Vivian là một người đàn ông thầm lặng, cô chưa thấy chú nói nhiều quá ba câu trong những lần họp Hội đồng như thế này bao giờ. Từ lúc chỉ là một cô bé con, theo mẹ qua Paris gặp gỡ gia đình dì Sáu, Vivian đã thấy ông như vậy. Lúc ấy cô rất thích ngồi nói chuyện vu vơ cùng chú Bảy, nhìn ông như giáo sư, những câu hỏi “tại sao thế này, tại sao thế kia, tại sao không phải như vậy…” của cô bé chẳng thể làm khó được hay khiến ông tức giận. Ngược lại, chú Bảy còn dạy cô nói xin chào bằng năm sáu thứ tiếng nữa, trong khi lúc ấy cô còn chưa nói rõ tiếng Việt và chỉ mới bắt đầu làm quen tiếng Nga và tiếng Đức.
“À mà J cũng chưa thấy nhỉ, mọi lần cậu này cũng về sớm lắm”, C cất lời, “mấy thanh niên từ Đức với Nhật về toàn tụm với nhau đi đua xe”, anh trêu chọc Vivian. Hai ba lần họp mặt Hội đồng trước, cả J, Vivian và Z hay hẹn nhau nhờ máy bay chú Vương đưa qua trước vài ngày. Sau đó mượn luôn con G63 nhà chú Tư để đi du lịch bụi. Lúc thì cả ba đi cung Tây Nguyên, rồi tiện đi đường Hồ Chí Minh ra Bắc luôn. Lúc thì xuyên từ Đông Bắc sang Tây Bắc, thăm thú thỏa thích rồi mới quay về dinh thự.
“Vầng, thì anh với anh O có bao giờ nhớ đến em đâu, lần hai người đi lạc đà xuyên Sahara cả tháng trời ấy, biết em mê lắm mà không rủ”, Vivian lườm C một cái, nhưng sực nhớ ra khoảng thời gian đó cô được BMW cử qua Anh theo dõi tiến độ lắp ráp của hai chiếc Rolls-Royce khách VIP đặt, nên cũng không có thời gian mà đi du lịch. C phát hiện Vivian nói hớ nên cười phá lên, anh quá rõ đợt đó cô phải lo cho mấy chiếc xe sang chú Vương đặt hàng, mà thực ra cô cũng không biết, đến mấy tháng sau giao xe mới được tiết lộ.
Ông nội Vivian di cư qua Pháp từ trước Thế chiến thứ hai, từ làm bốc vác dần dần vào phụ việc ở xưởng chế tạo máy, học được kỹ thuật rồi lên làm thợ máy. ở PhápLàm ở xưởng Pháp một thời gian, ông lại qua Đức làm việc trong nhà máy sản xuất ô tô. Chiến tranh Thế giới nổ ra, ông khăn gói qua Liên Xô, hỗ trợ quân đội sửa chữa xe cộ, khí tài một thời gian dài. Sau năm 45, ông lưỡng lự trước cơ hội về lại quê nhà, sau quyết định ở lại vì đã yêu một cô gái Liên Xô. Sau năm 1949, ông đưa cả gia đình sang Đông Đức định cư.
Nhưng có lẽ đã là người Việt thì sớm muộn cũng quay về, bố của Vivian thời sinh viên ở Saint Petersburg cũng gặp gỡ và cưa cẩm một cô sinh viên từ Việt Nam sang du học, người đó sau này trở thành mẹ cô. Cũng phải đợi mãi đến giai đoạn kinh tế mở cửa, ông bà mới có dịp quay về nhiều, phần vì để mở liên doanh, phần vì theo tiếng gọi của dân tộc.
Đến thời Vivian, được truyền đam mê xe cộ từ ông nội, từ nhỏ cô đã thích ngày ngày trốn vào gara để nghịch mớ bù lông, ốc, vít, cờ lê. Những ngày cuối tuần đối với Vivian như là nghỉ hè khi cô được thỏa thích lấm lem dầu nhớt, cùng mày mò máy móc cùng ông. Đến lúc lớn, Vivian cũng chọn theo học ngành thợ máy, vốn ít được những cô gái khác xem trọng. Thời những năm 90, công nghệ thông tin bùng nổ, cô tìm ra công cụ mới để nâng đam mê của mình lên một tầm cao mới. Nhiều đêm cô cứ mày mò trong xưởng thực nghiệm của trường để tìm hiểu một loại động cơ mới, hay thử đủ mọi cách để kết nối máy tính thử nghiệm một thiết bị mô phỏng trong hầm gió… Thất bại không ít, làm nổ cả máy tính của trường cũng có, nhưng chả là gì với Vivian, hàng trăm lần thử chỉ cần một lần thành công là đủ đối với cô.
Nhờ kiên trì với việc thử-sai, Vivian nắm trong tay một vài bằng sáng chế khi ra trường. Nhiều nhãn hàng ô tô nổi tiếng gửi lời mời về làm việc nhưng cô chọn BMW. Không phải cô kén chọn gì nhưng nhiều lần Vivian có cảm thấy rất thích thú mỗi khi cầm lái BMW trên Autobahn, từng cái đánh lái, từng khúc cua, thậm chí gờ giảm xóc, cô cũng có cảm nhận rất đặc biệt, người và xe như hòa vào làm một. Vivian muốn chính mình là người kiến tạo nên cảm giác đó, vì thế cô không suy nghĩ nhiều khi nhận thư từ công ty ô tô xứ Bavaria. Con đường sự nghiệp của Vivian sau đó cũng rộng mở, từ kỹ sư nghiên cứu, cô được đào tạo thêm về tài chính, kinh doanh, marketing rồi được thử sức ở những mảng mới, sau lại được giao chịu trách nhiệm cho mảng xe sang Rolls-Royce. Suốt thời gian này Vivian vẫn hay mang xe đi khám phá những cung đường mới, Route 66, cánh đồng muối ở Chile, sa mạc Gobi, hay đến cả Nam Cực, tất cả đều có dấu chân của Vivian.
Cơ duyên đến với Hội đồng của Vivian cũng từ chú Bảy. Ông nhận thấy tố chất hơn người từ cô bé con hay hỏi “tại sao” năm nào nên đặc biệt nhờ dì Sáu căn dặn bố mẹ và ông nội cô bồi dưỡng cho Vivian một số thứ. Đừng tưởng thợ máy là khô khan, trong đầu Vivian là một quyến bách khoa lịch sử, địa lý và thiên văn. Cô có thể đọc vanh vách tên các các chòm sao từ năm mười mấy tuổi. Ngoài mấy thứ tiếng Anh, Nga, Đức… vặt vãnh, cô vẫn được rèn tiếng Việt kỹ càng. Chú Bảy có một thời gian ở ẩn nhưng vẫn gửi riêng cho cô vài tài liệu ông biên soạn riêng từ nghiên cứu của mình về Việt tộc…
Quay lại bữa tối tại dinh thự, khi miếng bánh xèo cuối cùng được gắp lên thì J gọi điện, cậu vừa đến sân bay nội bài, vừa gặp tài xế. Khỏi phải nói khuôn mặt J tiếc rẻ như thế nào khi nghe Vivian dõng dạc thông báo rằng anh vừa bỏ lỡ một bữa bánh xèo ngon tuyệt vời của dì Sáu…
(còn tiếp)