Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp thuận chiến dịch quân sự tại Ukraine, giá Bitcoin bất ngờ rơi xuống mốc 35.000 USD và dần tiến đến mức đáy của năm 2022.
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, giá Bitcoin sáng ngày 24/2 bất ngờ xuyên thủng mức 36.000 USD và hiện giao dịch quanh mốc 35.452 USD. Đây là đợt sụt giảm lớn nhất của Bitcoin trong tháng 2 năm nay.
Như vậy, trong vòng 24 giờ qua, giá Bitcoin đã giảm 6,25%, thu hẹp vốn hóa thị trường còn 671 tỷ USD. Đáng chú ý, trong 7 ngày, Bitcoin đã giảm 19,36%.
Vùng giá 35.000 USD vẫn chưa phải đáy của Bitcoin vào năm 2022. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới từng giảm xuống 33.495 USD hồi cuối tháng giêng. So với mức ATH lịch sử từ tháng 11/2021, Bitcoin đã bốc hơi 50% giá trị.
Bitcoin vẫn lao dốc phi mã.
Nhìn chung, hàng loạt đồng tiền số khác cũng rơi vào xu hướng điều chỉnh mạnh từ 6-12%. Ngoài các stablecoin, nhóm 10 đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới hiện gồm Bitcoin, Ethereum, Binance coin, XRP, Cardano, Solana và Terra. Sau thời gian tăng trưởng ngắn ngủi, Avalanche tiếp tục bị đánh bật khỏi nhóm này.
Theo CNBC, đà suy yếu của Bitcoin bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị, đặc biệt xung quanh khu vực Ukraine.
Trong động thái mới nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn các chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Cụ thể, ông Putin cho phép lực lượng đặc nhiệm tiến đến vùng Donbas của Ukraine để thực hiện nhiệm vụ “phi quân sự hóa”.
Trước đó, ông Putin cũng công nhận nền độc lập của hai quốc gia ly khai tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR).
“Câu chuyện Bitcoin là nơi trú ẩn an toàn gần như hoàn toàn tan vỡ khi khả năng xung đột quân sự ngày càng tăng và mối quan hệ Mỹ – Nga dần xấu đi. Thị trường tài chính hiện chuyển sang chế độ lo ngại rủi ro”, Yuya Hasegawa, nhà phân tích tại sàn giao dịch Nhật Bản Bitbank, cho biết.
Từ lâu, Bitcoin thường được ví như tài sản trú ẩn an toàn giống vàng. Tuy nhiên, khái niệm “vàng kỹ thuật số” đã bị phá vỡ khi số lượng nhà đầu tư tổ chức tham gia tăng, khiến những biến động của Bitcoin ngày càng giống những loại tài sản truyền thống như chứng khoán.