Sáng hôm sau C và O vẫn chưa quen hẳn với múi giờ mới, tận 8 giờ mới dậy. Hai người vừa bước vào phòng ăn thì Z đã ở đó từ khi nào. O rất hào hứng vì anh và Z thường hỗ trợ qua lại với nhau, O hoạt động chính ở Trung Đông và Bắc Phi, còn Z thì tập trung nhiều vào Israel, Thổ Nhĩ Kỳ.
“Cậu đến lúc nào mà hay thế, bay có vui không? Chắc lâu rồi mới về Việt Nam nhỉ?”, O với lấy bình trà rồi rót một lượt cho mọi người, sẵn tiện hỏi Z, “tôi nhớ mấy món ăn bên Tel Aviv quá, hai tháng nữa lại qua nhé?”
“Đáng lẽ đến sớm nhưng có chút sự cố bên Changi nên máy bay trễ hơn dự định, nhưng mà đi chuyên cơ chú Vương sắp xếp thì còn gì bằng”, O nhấp ngụm trà, “tháng 5 rồi mà thời tiết vẫn còn mát mẻ thật, hay chiều nay chúng ta đi leo núi đi, lúc nãy tôi có hỏi nhờ chú quản gia sắp xếp rồi, gần đây có ngọn núi đẹp lắm, lên tới đỉnh ngắm thung lũng phía dưới thì còn gì bằng. Anh C đi cùng với bọn em luôn nhé?”.
“Nghe cũng hay đấy, sẵn vận động cho giãn gân cốt”, C đồng tình.
Sau buổi cơm trưa, xe đã đợi sẵn ba người, vẫn là những chiếc Land Cruiser bóng lộn, được chăm kỹ càng từng chút một bởi đội ngũ tài xế chuyên nghiệp của ông Vương. Tất cả nhân viên tại dinh thự đều được ông tự tay gặp gỡ, trò chuyện, tìm hiểu về gia cảnh, suy nghĩ, tính cách… trước khi tuyển chọn, và hình như ai cũng có một khí chất riêng của mình. Ông Vương cười xòa từ chối khi C rủ đi leo núi. Bình thường ông vẫn hay cùng mấy cậu đầu bếp, hay bác sĩ gia tộc leo lên những ngọn núi xung quanh thung lũng để tìm vài loại hương vị đặc biệt, hay để hái đôi ba vị thuốc hiếm mà chỉ vùng này mới có. Lần này ông muốn ở tại dinh thự để chuẩn bị thật kỹ cho buổi họp Hội đồng sắp tới – được xem là bước ngoặt để bắt đầu thực hiện kế hoạch mọi người đã ấp ủ lâu nay.
Nhưng Z đã nhờ quản gia đưa ba người họ đi ra xa hơn, đến một ngọn núi mà cả O, C và Z chưa từng leo trước đó, cũng vì vui và tìm kiếm thêm chút thử thách mới. Quả thật vùng đất Hà Giang này luôn luôn có những cung đường quanh co uốn lượn hùng vĩ, đẹp như mơ với núi cao dựng đứng một bên, bên kia là vực sâu cùng với dòng sông xanh mướt dưới xa. Cảnh vật lâu lâu lại lấm chấm những bụi hoa nhỏ đẹp tươi ven đường mà chẳng cần ai tỉa tót.
Đường lên núi cũng không quá khó, cứ thong thả theo lối mòn mà đi, O dặn xe cứ về trước, khoảng ba tiếng sau quay lại đón, rồi nhập cùng C và Z. Cảnh sắc ở đây làm anh nhớ đến Ninh Bình, sau lần họp này, O sẽ về nhà một chuyến.
Lớn lên ở Tràng An, O thuộc lòng từng tích xưa về các vị vua thời Đinh – Lê – Lý. Tuổi thơ anh đong đầy những tiếng cười, những trò vui khi theo mẹ và các bà, cô chèo thuyền len lỏi dưới những ngọn núi đá vôi vào Tam Cốc cấy lúa. Đến mùa lúa chín, những cánh đồng rộ lên màu vàng ươm, bao quanh là hàng hàng lớp lớp núi đá vôi như những người khổng lồ trấn giữ Cố đô xưa. Có lúc anh và chúng bạn hè nhau leo núi, cả bọn thở hổn hển sau một chặng đường dốc đứng, ngồi phóng tầm mắt xuống cảnh sắc hùng vĩ phía dưới và tận hưởng những làn gió mát rượi xuyên qua tóc, qua áo…
Ở đất kinh kỳ, gia đình nào cũng ít nhiều có truyền thống cách mạng, gia đình O cũng vậy. Ông nội anh là liệt sĩ thời chống Pháp, còn bố anh tuy không ra chiến trường nhưng cũng là kỹ sư hàng đầu, được cử qua Liên Xô học tập, sau này về nước đã tham gia chế tạo thành công chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam. O nghe bố kể, lúc ấy chỉ mới thống nhất đất nước được vài năm, khó khăn trăm bề, cơ sở vật chất và trang thiết bị thiếu thốn, thậm chí điện cũng chập chờn, mỗi tuần mất điện mấy ngày, mỗi ngày mấy lần… Nhưng cả đội ai cũng quyết tâm, làm ngày làm đêm vừa tự nghiên cứu tài liệu tiếng Anh, vừa mày mò thử nghiệm. Cuối cùng chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam ra đời, dùng chip Intel đời mới nhất lúc đó, đưa Việt Nam thành nước thứ ba sau Mỹ và Pháp đạt thành tựu này.
Lên đại học, O chọn ngành tiếng Anh. O quan niệm rằng những tinh hoa thế giới có thể học được, miễn là tiếng Anh tốt, một khi đã nắm vững còn có thể đem về triển khai rộng rãi trong nước. Thời những năm 90 vừa mở cửa hội nhập, nhiều công ty nước ngoài bắt đầu để ý đến thị trường Việt Nam, yêu cầu tuyển dụng của họ cũng đơn giản, chỉ cần biết tiếng Anh là được, những sinh viên như O bỗng dưng có giá.
Khi tốt nghiệp, O được nhận vào một văn phòng đại diện dầu khí lớn của Mỹ, làm trợ lý kiêm phiên dịch. Nhờ nhanh nhẹn và có năng lực học hỏi tốt, anh nhanh chóng được công ty cho đi trau dồi thêm ở Malaysia, rồi Singapore, sau đó đưa O qua tận Trung Đông và Mỹ để đào tạo nâng cao. Chỉ trong vòng mười năm, sự nghiệp của anh lên như diều gặp gió khi liên tục được thăng chức và giao cho nhiệm vụ mới. Dần dần anh chuyển qua quản lý vùng Đông Nam Á, rồi lại qua Úc, sau đó phụ trách toàn bộ khu vực Trung Đông.
Những tưởng mọi thứ cứ thế mà êm ả trôi qua, nhưng bước ngoặt từ một sự kiện kỳ lạ và biến cố bất ngờ đã thay đổi cả cuộc đời và góc nhìn của O.
Lần nọ, O công tác sang Ma Rốc, xứ sở Nghìn lẻ một đêm và cũng là vùng đất hiện diện trong câu chuyện Nhà giả kim. Ở những vùng đất mới, cứ có thời gian trống anh lại tranh thủ đi sâu tìm hiểu văn hóa, phong tục địa phương, tìm kiếm những cảm nhận rất đặc biệt cho riêng mình. O choáng ngợp bởi sự sầm suất nơi đây với những thánh đường Hồi giáo rộng lớn, đan xen giữa chằng chịt những con hẻm như mê cung, hai bên bày biện mênh mông nào sạp vải vóc, sạp thảm, sạp đồ đồng, trang sức, kỹ nghệ… Sát đó là những dãy phố đẹp đẽ hiện đại, lấp lánh ánh đèn của người Do Thái. Lúc đang loay hoay tìm đường ra giữa muôn ngàn lối đi, O bỗng gặp đượt một “nhà thông thái” giúp đỡ.
“Nhà thông thái” là một ông lão đậm chất Hồi giáo, với bộ râu trắng dày che hết khuôn mặt và tấm áo choàng trùm kín người. Ông bước đến bắt chuyện với O một cách thân thiện, cảm giác như đã biết anh từ rất lâu trước đó. Có vẻ như ông quen biết hầu hết mọi người, khi liên tục ghé chào, hỏi han người đi đường, hay lúc thì người bán thảm, khi lại là cậu bé đang chạy chơi trong hẻm nhỏ… Không chỉ hướng dẫn O đến nơi cần đến, “nhà thông thái” còn mời anh uống trà và chia sẻ thêm về tôn giáo, lịch sử. Lúc chia tay ông chỉ dặn nhẹ anh một câu bí ẩn: “khi thời điểm đến, hãy hướng về nguồn cội…”.
Một tuần sau, mẹ O gọi điện sang, giọng bà run run báo bố anh được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. O sụp đổ. Từ lúc rời Việt Nam đi làm quốc tế, anh rất ít khi về thăm ông bà, cả năm chỉ được mỗi dịp Tết là O sắp xếp được khoảng một tuần ở nhà, sau đó lại tất tả bay đi, quay cuồng trong nhịp công việc ở xứ người. Sau một đêm thức trắng suy nghĩ về chặng đường đã qua, về những gì được, mất trong đời, O quyết định nghỉ việc về hẳn để có thêm thời gian ở bên chăm sóc bố mẹ. Tuy rằng công việc hiện tại đem lại cho anh cả vài trăm ngàn đô thu nhập mỗi năm, nhưng đổi lại anh mất quá nhiều thứ. O cảm thấy không đáng để đánh đổi như vậy nữa, đối với anh lúc này tiền không phải là tất cả.
Ngày O chia tay, đại diện tập đoàn rất tiếc nuối, nói rằng vẫn để một ghế sẵn cho O nếu anh có ý định quay lại Dubai. Cùng lúc đó, mối quan hệ của anh trong hoàng gia Dubai cũng ngỏ lời mời anh phụ trách đại diện làm việc với công ty dầu khí khổng lồ Aramco, cũng như tập đoàn đầu tư của chính phủ Ả Rập Xê Út. Họ chỉ cần O đồng ý trên nguyên tắc, một thời gian nữa bay sang cũng được. Trong lòng O vẫn rất ngổn ngang nên anh chưa hứa chắc điều gì…
Chỉ ba tháng sau khi O về nước, bố anh mất. Ông nhẹ nhàng ra đi trong lúc ngủ, mãn nguyện khi cả đời cống hiến cho đất nước và gia đình, đến những giây phút cuối cùng vẫn có đầy đủ con cháu bên cạnh. O rất đau buồn nhưng anh hiểu đó là cuộc sống, có gặp gỡ sẽ có chia ly. Ít nhất những tháng vừa qua anh toàn tâm toàn ý ở bên cạnh ông, có thời gian hai cha con cùng ôn lại những kỷ niệm từ xưa, từng tấm hình, từng khoảnh khắc vui có, buồn có nhưng đều để lại ấn tượng sâu sắc.
Khoảng thời gian đó, O vẫn rất buồn, ngày ngày anh đạp xe khắp Tràng An, ghé những địa điểm thân thuộc từ bé, tìm lại những cảm xúc ấu thơ. Xung quanh anh giờ đã rất khác, đời sống người dân được nâng cấp, khắp nơi có nhà, có xe… không còn cảnh chạy ăn từng bữa, phải độn bo bo bắp hay khoai lang vào cơm như anh lúc nhỏ nữa. Có điều, anh vẫn cảm giác thiếu một cái gì đó mà không thể định hình được. Ngày nọ, O thức sớm, đến núi Ngọa Long, đi xuyên qua những đầm sen còn đọng sương lẫm đẫm, nắng phủ vàng qua những thảm sen hồng tạo thành một bức tranh buổi sáng tuyệt đẹp khiến 500 bậc thang lên đỉnh chỉ nhẹ tựa buổi dạo chơi.
Lúc O đang ngồi trên đỉnh Ngọa Long, thả mình vào không gian rộng lớn của những ruộng lúa chín vàng xen kẽ giữa trùng điệp núi đá vôi của nơi được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn” này, một giọng nói nhẹ nhàng cất lên: “hãy cứ bay xa ngoài thế giới, thời điểm sẽ đến, không sớm không muộn…”, đó chính là giọng nói của ông Vương.
O ngạc nhiên, không biết ông chú này đã ngồi cạnh anh từ lúc nào, lại có thể nói trúng tâm tư của anh như vậy. Tận sâu trong thâm tâm, O vẫn muốn quay lại Dubai, vẫn muốn trải nghiệm, học hỏi cùng giới siêu giàu ở đó để củng cố thêm tâm thế của mình trước khi quay về hẳn quê nhà. Lúc này, ông chú lại tiếp tục: “chú biết cháu đang có nhiều câu hỏi, hay là chúng ta đi thuyền một chuyến thưởng ngoạn Tam Cốc nhé, chú sẽ chia sẻ thêm”.
Con thuyền nhẹ lướt từ bến đò, sông Ngô Đồng tĩnh lặng, trong vắt thấy đáy, từng chùm rong nhảy múa trong làn nước xanh mát, đôi lúc bơi sát ruộng lúa còn có thể giơ tay vuốt được những hạt thóc thô ráp, mập mạp. Thuyền xuyên qua những hang hẹp phía dưới ngọn núi sừng sững, nhiều nhũ đá rủ xuống với muôn hình vạn trạng, một vài khúc vòm thấp người ngồi trên phải cúi xuống sát để len đi. Trong suốt hai tiếng đồng hồ, những chia sẻ của ông Vương dần dần khai sáng thêm cho O lý do tại sao “nhà thông thái” gặp ở Ma Rốc lại nhắn nhủ anh như vậy. Số đã định O là một trong những người tham gia cùng ông Vương trên hành trình đánh thức sức mạnh thực sự của tộc Việt.
Nhưng trước tiên, anh cần phải quay về Dubai để hoàn tất sứ mệnh của mình ở đó. Ngay buổi tối ngày gặp gỡ ông Vương, O gọi điện cho đại diện hoàng gia Dubai. Đúng một tháng sau đó, anh chính thức dẫn dắt nhóm thương thảo các hợp đồng đầu tư hàng trăm triệu đến hàng tỷ đô la với các doanh nhân Trung Đông và Châu Phi….
(còn tiếp)
—–