Chú Bảy về đến dinh thự lúc nửa đêm, ông không sử dụng chuyên cơ được ông Vương sắp xếp mà tự lo liệu việc đi lại. Bình thường hành tung của ông chỉ có ba nhà sáng lập Hội đồng là nắm rõ nhất, các thành viên còn lại đều không biết. Lúc Z và Vivian chạy bộ buổi sáng đã thấy ông ngồi thiền trong vườn tự lúc nào, biết ý nên nhẹ nhàng đổi hướng, đợi qua bữa sáng sẽ gặp chào chú Bảy sau.
Trong lúc uống trà, Vivian chợt hỏi: “Bên Inđô có gì mới không chú Bảy, con thấy báo chí cũng viết nhiều bài mà chắc họ chỉ nắm được bề nổi, ít có ai qua nghiên cứu sâu để tìm hiểu lịch sử xa xưa của người Việt lắm”, cô rất vui khi gặp lại chú ông, người đã đóng góp một phần không nhỏ dạy dỗ, hướng dẫn cô thành tài như ngày hôm nay.
“Chú tìm được mấy tài liệu lâu đời lắm rồi, mấy cụ già người Minangkabau kể là từ tố tiên của họ truyền lại, đọc ra đúng là chữ Khoa Đẩu”, chú Bảy chậm rãi trả lời, “không ngờ vẫn được lưu giữ tốt như vậy, hơn hẳn những ghi chép của Alexandre de Rhodes hiện còn lưu bên Châu Âu. Có khá nhiều nội dung thú vị về y học, thiên văn, cả lịch số học, chú sẽ quay lại đó thêm vài tháng nữa mới có thể hiểu và nắm đầy đủ nội dung được”.
“Nhưng mà gì thì sau lần này anh Bảy cũng sắp xếp đi với tui vô Sài Gòn một chuyến nghe, B nó mong gặp anh lắm đó”, chú Tư vừa châm trà mới vừa nói, “từ giờ tới mấy năm nữa là khảo nghiệm lớn cho nó, cũng cần hỗ trợ tinh thần nhiều lắm. Bữa trước khi ra, đây, tui với cô Sáu có ghé thăm mấy vùng đất trên Tây Nguyên. Quả đúng như lời anh Bảy chỉ, ở có mấy ngày mà cảm nhận rất rõ nguồn siêu năng lượng dồi dào, đầu óc thư thái, cơ thể như khỏe ra nhiều lắm”.
“Những vùng đất đó rất tốt, ai có duyên về ở cũng được hưởng phước nhiều lắm”, chú Bảy tiếp lời, “mấy ngày nữa tui ghé Quảng Ninh có chút việc, rồi vô Sài Gòn sau”.
Chú Bảy năm nay đã ngoài bảy mươi, râu tóc bạc trắng nhưng tay chân vẫn cứng cáp khỏe mạnh lắm. Cuộc đời ông lúc trước lang bạt khắp nơi, từ Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, đến Ý, Pháp ông đều ở mỗi nơi vài ba năm. Nghe nói lúc ông còn ẵm ngửa, gia đình đã mất hết do nạn đói, một người bà con may mắn sống sót đã mang ông về Quảng Ninh để nuôi nấng. Tuy không dư giả gì nhưng người bà con này vẫn cố gắng chăm lo cho chú Bảy được đi học trường lớp bài bản. Do sống sát biển, ngày ngày ông vẫn một buổi đến trường, một buổi ra phụ chuẩn bị thuyền đánh cá trên vịnh.
Năm mười hai tuổi, chú Bảy được người nhà cho đi theo đánh cá cùng. Sau vài tháng ra khơi, ông đã thành thạo cách kéo buồm, cách cột dây, điều chỉnh chân vịt để thuyền đi đúng hướng. Ông hào hứng lắm, bắt đầu tưởng tượng về những chuyến ra khơi thật xa, khám phá vùng đất mới như những câu chuyện được đọc từ sách vở.
Lần nọ, chú Bảy lẻn lên thuyền của một người hàng xóm trong làng chài chơi rồi ngủ quên dưới mớ vải buồm, chủ thuyền lúc neo vô ý gút thiếu một nút dây, thế là con thuyền trôi theo dòng nước lúc nào không hay. Sáng hôm sau, ông hoảng hốt thức dậy thấy xung quanh mình là đại dương mênh mông. Cũng may trên thuyền có sẵn một ít thức ăn nước uống nên chú Bảy vẫn cầm cự được. Vài ngày sau, con thuyền tả tơi cập bến một khu lao động nhỏ ở Hồng Kông.
Mớ cá khô trên thuyền giúp chú Bảy sống được thêm hai ngày. Điều quan tâm lớn nhất của ông lúc bấy giờ là xác định xem mình đang ở đâu, làm gì để quay về nhà được. Nhưng không ai hiểu ông đang nói gì, người trong khu lao động làm đủ thứ nghề, từ lượm ve chai, đến bốc vác, kéo xe… để lo cơm ăn áo mặc nên không quan tâm lắm một cậu thiếu niên từ trên trời rơi xuống, lại không biết tiếng Quảng. Đến ngày thứ ba, cá khô đã hết, nước cũng cạn, cậu thiếu niên đang lang thang vô định ngoài đường thì được một thầy phong thủy già nhìn trúng. Từ đó, chú Bảy đi theo thầy phong thủy vừa học tiếng Quảng, vừa nhận truyền thụ kiến thức. Ở Hồng Kông, một thầy phong thủy giỏi rất được các công ty tin tưởng nên cuộc sống của chú Bảy rất tốt. Khi ông nói rành tiếng Quảng, lại được gửi đi học thêm tiếng Anh và cả tiếng phổ thông để hỗ trợ sư phụ làm việc với giới kinh doanh.
Nhưng lúc ấy chú Bảy vẫn đau đáu nhớ về quê nhà, sư phụ của ông hiểu được điều này, chỉ nói rằng số mệnh phải qua bốn mươi tuổi ông mới có thể quay về Việt Nam được. Cứ như vậy, ông theo sư phụ làm nghề phong thủy cho đến năm hai mươi bốn tuổi đã đạt được một số thành tựu nhất định, được nhiều doanh nhân đủ mọi ngành ở Hồng Kông biết đến và rất kính trọng. Từ tài chính, bất động sản, công nghiệp, bán lẻ, vận hành cảng… không ở đâu là chưa từng nghe tới chú Bảy. Không chỉ vậy, họ còn đặc biệt mời ông qua Singapore, Nhật, Đài Loan xem giúp mỗi khi thành lập chi nhánh mới.
Năm chú Bảy hai mươi lăm tuổi, sư phụ trở bệnh nặng rồi ra đi. Ông ở lại Hồng Kông thêm ba năm nữa rồi khăn gói đi tìm kiếm về bản thể cũng như cội nguồn dân tộc. Nhờ thông thạo tiếng Quảng và tiếng phổ thông, chú Bảy từ Hồng Kông đi qua Quảng Châu, rồi đến Hồ Nam. Nhờ các mối quan hệ với nhiều doanh nhân xứ Cảng, ông kết nối được một số nhà nghiên cứu, khảo cổ, lưu lại khu vực Hồ Động Đình gần sáu tháng. Trong lúc ở đây, ông cũng bắt đầu nắm kỹ hơn về Kinh Dịch.
Sau khoảng thời gian ở Hồ Nam, chú Bảy tiếp tục đi về phía Tây, qua Thành Đô để lên cao nguyên Tây Tạng. Vùng đất này quanh năm lạnh, khô cằn. Núi toàn đá với cát, ngoài một số cây bụi, hàng trăm ngàn ngọn núi cứ trơ trọc, lởm chởm đá to, đá nhỏ. Nhìn từ xa xa, những con bò yak lông dài, bò, cừu đứng gặm cỏ khô, từng đốm đen như những lùm cây bụi trên triền đồi rộng lớn. Ông tiếp tục ẩn cư mấy tháng cùng các nhà sư tại đây trước khi tiếp tục di chuyển qua Ladakh, rồi ghé Bhutan.
Bhutan lúc này mới mở cửa đón khách du lịch được không bao lâu, vẫn còn lưu giữ lại những khung cảnh xưa cũ. Đền chùa, nhà cổ nằm san sát nhau. Những bát hương Bhutan tỏa hương thơm trầm hoặc. Những khung cửa sổ treo đầy ớt chín đỏ. Từng hàng cây cổ thụ phủ kín rêu, cờ phướn xanh đỏ rợp trời. Cảm thấy rất yên bình với khung cảnh nơi đây, chú Bảy ở lại hơn hai năm.
Tiếp sau đó, ông đi xa hơn nữa về phía Tây, qua Châu Âu, ghé nhiều thư viện ở Lisbon, Rome, hay Paris. Khoảng thời gian này ông vừa tranh thủ học thêm các thứ tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha, vừa tìm xem những tài liệu các nhà truyền giáo từ thế kỷ 16 ghi lại. Tại Paris, chú Bảy lần đầu gặp ông Vương khi cùng chọn những bộ sách giống nhau tại thư viện.
Sau khi đất nước mở cửa, chú Bảy đã thực hiện được ước mong quay về lại Việt Nam, đúng như những gì sư phụ đầu tiên của ông nói. Hơn hai mươi lăm năm trời đằng đẵng, gia đình người họ hàng đã lập mộ ông từ rất lâu rồi, nay ngỡ ngàng khóc òa khi thấy chú Bảy xuất hiện
Với danh nghĩa đại diện công ty ông Vương bên Pháp thành lập liên doanh mới, suốt mười năm liền chú Bảy có cơ hội đi khắp hang cùng ngõ hẻm để sưu tầm hàng ngàn văn tự ghi dấu lịch sử xa xưa. Vừa nghiên cứu, vừa kinh doanh, ông trao đổi thư từ liên tục với Paris, đồng thời tìm gặp một người quen khác được ông Vương giới thiệu, đó là chú Tư.
Đầu những năm 2000, từ một phát hiện mới, chú Bảy lại khăn gói qua Nhật. Từ Hokkaido, ông đi xuôi về phía Nam đến Tokyo, Kyoto, Osaka, Hiroshima… trước khi quay lại Fuji. Sau hơn một trăm lần leo núi Phú Sĩ, chú Bảy đã gặp được J ở lần thứ 108.
(còn tiếp)